Làm bánh tro nhân dịp Tết Đoan Ngọ thường phải trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ nên cũng cần sự khéo léo trong khâu chọn lựa nguyên liệu và làm bánh. Tuy nhiên chỉ cần bạn đam mê thì sẽ làm được thôi, vào bếp với mình nào.
2 cách làm bánh tro dịp Tết Đoan Ngọ
Bánh tro hay bánh Gio, bánh ú gio là loại bánh truyền thống của người Việt trong dịp Tết Đoan Ngọ, tết sâu bọ hàng năm để cúng tổ tiên. Công thức làm bánh tro dưới đây sẽ giúp bạn có được những bánh tro thơm ngon tại nhà.
1. Cách làm bánh tro nhân đậu xanh
Nguyên liệu làm bánh tro
- Gạo nếp 500 gr
- Đậu xanh 100 gr
- Đường 30 gr
- Muối 20 gr
- Nước tro tàu 500 ml
Các bước làm bánh tro
Bước 1: Ngâm gạo nếp
Gạo nếp các bạn cần vo đãi nhiều lần cho thật sạch sau đó vớt ra cho vào thau.
Bạn cho vào thau 1 lít nước, 500ml nước tro tàu, ngâm trong 20-22 tiếng.
Thỉnh thoảng khi ngâm bạn thử bằng cách bóp nhẹ hạt gạo nếp vỡ nhẹ là gạo đã ngâm đủ.
Sau khi gạo nếp ngâm nước tro thì xả lại nhiều lần dưới vòi nước lạnh cho thật sạch. Có thể xóc thêm ít muối (0,5 kg gạo thì hết 20gr muối). Để gạo cho ráo nước.
Bước 2: Làm nhân đậu xanh
Đậu xanh đã xát vỏ đãi sạch, ngâm vào âu nước ấm khoảng 1-2 tiếng cho mềm.
Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu tầm 30p cho đậu xanh chín mềm (hoặc bạn cũng có thể hấp mềm đậu xanh nhé).
Khi đậu xanh vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm 30gr đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đậu tơi mịn ra, hoặc có thể cho đậu xanh vào máy xay sinh tố, bật chế độ xay nhuyễn đến khi hỗn hợp mịn.
Cho đậu xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại. (Nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít).
Sau đó bạn tắt bếp, để nguội và vo viên tròn.
Bước 3: Gói bánh
Thông thường bạn có thể dùng lá tre hoặc lá dong, lá chuối để gói bánh.
Bạn gói lá thành hình phễu, sau đó cho 1 muỗng nếp ở dưới, thêm nhân ở giữa rồi thêm 1 muỗng nếp ở trên.
Cuộn lá lại và dùng lạt hoặc dây buộc chặt. Lần lượt gói cho tới khi hết gạo.
Bước 4: Luộc bánh
Bánh gio gói xong bạn xếp vào nồi sạch (lưu ý là nồi luộc không được dính dầu mỡ). Đổ ngập nước và luộc trong khoảng 3 giờ là bánh đã nhừ. Khi thấy nước cạn bạn có thể chế thêm nước vào để nồi bánh không bị hết nước.
Khi bánh chín thì xả dưới vòi nước lạnh sau đó treo lên chỗ thoáng mát.
Thành phẩm
Món bánh tro với vỏ ngoài dẻo thơm, lớp nhân đậu xanh bùi bùi. Khi ăn chấm bánh tro với mật mía ngọt thanh khiến bạn sẽ muốn ăn mãi ăn mãi đó nhé!
2. Cách làm bánh tro không nhân
Nguyên liệu làm bánh tro không nhân
- 2kg gạo nếp
- 2 viên tro tàu
- Lá tre
Cách làm bánh tro nhân không nhân
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, bạn pha 2 viên tro tàu với 200ml nước nóng, khuấy cho tan thành hỗn hợp nước tro. Ngâm gạo nếp vo nhiều lần đến khi nước ngâm thật trong, đổ nước vào sâm sấp mặt nếp ngâm khoảng 4 tiếng, cho thêm 200ml nước tro vào ngâm tiếp trong 20 tiếng.
Lá tre bạn đem rửa sạch rồi đem đi hấp trên bếp trong 5 phút, rồi để nguội, lấy khăn sạch lau thật khô hai mặt lá để bánh để lâu hơn.
Bước 2: Làm món bánh tro không nhân
Sau khi ngâm nếp trong 24 tiếng thì vớt ra, để ráo nước. Lấy lá tre gấp lại thành hình cái phễu rồi múc từng muỗng nếp cho vào, nén lại.
Kế đến, bạn gấp kín miệng bánh và nhẹ nhàng gấp bánh theo hình kim tự tháp, lấy dây gói bánh lại thật chặt, làm đến hết số nếp đã ngâm. Cuối cùng, bạn xếp bánh vào nồi bánh, đổ nước lạnh vào ngập mặt bánh, luộc bánh trong 5 tiếng thì bánh mới trong và dẻo được.
Thành phẩm
Món bánh tro không nhân có màu tro sáng bóng nhìn mê người, nếm thử bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo ngọt của bánh, tuy không có nhân nhưng ăn khá ngon, không hề bị ngán
Mẹo để làm bánh tro thành công
Muốn bánh ngon bạn nên chọn loại nếp cái hoa vàng, nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, vo gạo bằng nước thật sạch, để ráo.
Nếu bạn muốn làm nước tro thì các bạn lấy cây thạp nhạp (là loại cây mọc trên rừng, rất phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc) cùng với quả của cây xoan mang về đốt thành tàn tro. Sau đó, lọc lấy phần nước. Tuy nhiên, bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn. Bạn có thể pha nước tro với tỉ lệ như sau: 1 thìa canh nước tro thì pha với 1 lít nước lọc.
Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.
Nồi nấu không được dính dầu mỡ bởi nếu có dầu mỡ sẽ khiến bánh không thể chín được.
Trên đây là 2 cách làm bánh tro nhân dịp Tết Đoan Ngọ, chị em nào không mua được hoặc muốn tự tay làm cho cả nhà cùng thưởng thức thì lưu ngay công thức này lại để làm thực hiện xem sao nhé! Tuy là có hơi nhiều công đoạn, nhưng bánh làm ra ăn ngon phải biết