Nồi nấu chậm là dụng cụ nhà bếp được ưa chuộng hiện nay bởi tính năng chế biến giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao mà vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Vậy nồi nấu chậm có thể nấu được những món gì? Cùng tìm hiểu thêm nhé!
Nồi nấu chậm là gì?
Nồi nấu chậm hay còn gọi Slow cooker hoặc Crock-Pot là loại nồi có công dụng đun nấu hay hầm chín thức ăn trong một thời gian dài với nhiệt độ thấp bằng cách sử dụng điện năng.
Với nhiều tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại, nồi nấu chậm được sử dụng phổ biến với nhiều gia đình hiện nay.
Cấu tạo nồi nấu chậm
Kết cấu nồi nấu chậm tương tự giống với nồi cơm điện nắp rời, bao gồm:
Mâm nhiệt dưới đáy nồi.
Lòng nồi.
Vỏ bằng thép không gỉ.
Nắp vung rời.
Nhiệt độ nấu cho phép trong khoảng 75 độ C – 135 độ C. Công suất 120W – 150W tiêu thụ điện năng thấp.
Chất liệu lòng nồi được làm từ gốm Ceramic rất an toàn cho sức khỏe người dùng, đun nấu không tạo ra các chất độc hại. Vỏ ngoài bằng thép không gỉ cho độ bền cao. Nắp nồi bằng thủy tinh trong suốt chịu nhiệt và va đập tốt.
Cơ chế hoạt động
Nồi nấu chậm giữ nhiệt ở đáy nồi sau đó truyền nhiệt lên thành nồi để làm nóng và làm chín thức ăn bên trong với một nhiệt độ vừa phải trong thời gian dài. Thiết kế thường kèm theo cài đặt các mức nhiệt độ cho phép bạn sử dụng những luồng nhiệt độ khác nhau để nấu ăn.
Tùy thuộc vào từng món ăn bạn có thể cài đặt nhiệt độ phù hợp để nấu chậm một bữa ăn, nấu chậm sẽ làm mất thời gian của bữa ăn nhưng nó lại mang một hương vị đặc trưng.
Nắp nồi nấu chậm cho phép thoát hơi nước, không giống như nồi áp suất giữ hơi nước để tăng tốc quá trình nấu.
Ưu và nhược điểm của nồi nấu chậm
1. Ưu điểm
Tính năng nổi bật nhất của nồi nấu chậm đó là giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, gần như là nguyên vẹn. Bởi vì dựa trên nguyên lý hoạt đoạt chỉ nấu với nhiệt độ thấp khoảng 75 độ C – 135 độ C nên sẽ phải đun nấu trong thời gian dài, từ đó các loại vitamin không bị phân hủy hay phản ứng hóa học với các chất khác.
Nồi được trang bị những chất liệu cao cấp và an toàn đối với sức khỏe với lòng nồi bằng sứ ceramic cao cấp vừa bền bỉ lại dễ vệ sinh.
Nồi nấu chậm vốn chuyên dụng để nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm. Thêm vào đó, loại nồi này còn dùng để hầm xương, chưng yến, kho các món thịt,… rất tiện dụng.
Đảm bảo thức ăn ngon chín tới lại không bị phá vỡ cấu trúc Pectin trong thức ăn (cà rốt, cà chua, táo, lê,…) có nghĩa là giữ trọn hương vị, dưỡng chất đặc trưng của từng loại món ăn.
2. Nhược điểm
Nồi nấu chậm chỉ phù hợp với nhu cầu chuyên dùng như: Nấu cháo, kho cá, kho thịt nói chung là nấu những món kho, hầm.
Đúng như tên gọi “nồi nấu chậm” nên nếu mẹ muốn nhanh chóng thì đây không phải là sản phẩm phù hợp để mẹ chọn. Vì nhanh nhất cũng phải mất 2 – 3 giờ nồi nấu chậm mới làm chín thức ăn được.
4 món ăn ngon nấu bằng nồi nấu chậm
Nồi nấu chậm là thiết bị nhà bếp đã trở nên quen thuộc với rất nhiều gia đình người Việt. Đây là trợ thủ đắc lực trong nhà bếp giúp chị em tiết kiệm thời gian, công sức nấu các món ninh, hầm hay kho cá, kho thịt… mà trước đây chị em phải rất vất vả mới có thể làm được.
1. Bò sốt vang bằng nồi nấu chậm
Nguyên liệu
- Thịt nạc bò loại có gân
- Cà rốt đã gọt vỏ, thái khoanh tròn
- Khoai tây gọt vỏ
- Gừng tươi đã cạo vỏ
- Tỏi bóc vỏ
- Cà chua tươi
- Sốt cà chua
- Rượu vang
- Thanh quế
- Dầu thực vật
- Nước đun sôi
- Gia vị
Cách làm
Rửa thịt bò với nước sạch nhiều lần, rồi để ráo nước.
Thái thịt thành các khối to vừa ăn.
Bắc một nồi nước sạch lên bếp, đun sôi. Sau đó, thả các miếng thịt bò vào luộc sơ chín tái thì vớt ra ngay.
Đợi thịt bò ráo thì cho vào tô sạch.
Thêm gia vị (tiêu, muối, đường, nước mắm), 2 tép tỏi băm, gừng đập dập vào trộn đều với thịt bò. Sau đó, tiếp tục trộn thịt với rượu vang, ngũ vị hương, thanh quế. Bọc kín tô thịt lại, để riêng ướp ít nhất nửa tiếng.
Cho thịt bò cùng các loại củ quả vào nồi nấu chậm, nấu trọng vòng 2 tiếng. Sau đó thì lấy ra và thưởng thức cùng bánh mì, bún đều rất ngon
2. Thịt kho măng bằng nồi nấu chậm
Nguyên liệu
- Thịt ba chỉ
- Măng khô
- Hạt nêm, Đường, Muối, Nước mắm, Nước màu, Tiêu
- Tỏi băm, Hành tím
Cách làm
Cho măng khô vào ngâm với nước hoặc nước vo gạo trong khoảng 1 tiếng cho măng mềm. Có thể thay nước 2 – 3 lần để măng sạch hơn.
Sau khi ngâm, bắc một nồi nước lên bếp nấu sôi, thêm 1 muỗng cà phê muối rồi cho măng vào luộc khoảng 2 phút, khi thấy măng mềm thì vớt ra rổ, rửa sạch lại với nước lạnh, vắt khô và xé miếng nhỏ vừa ăn.
Thịt ba chỉ ngâm với nước muối khoảng 10 phút, dùng tay chà xát khắp miếng thịt để loại bỏ hết phần máu, chất bẩn, giúp thịt khử bớt mùi hôi sau dó rửa lại bằng nước sạch và để ráo, cắt miếng vừa ăn.
Cho thịt vào nồi nấu chậm, bạn thêm vào nồi 3 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng cà phê nước màu, 2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 muỗng canh hành tím băm. Đảo đều cho thịt thấm gia vị.
Thêm măng khô vào nồi, đảo đều và thêm 300 ml nước rồi đậy nắp chọn chế độ cao, nấu trong 4 tiếng.
3. Nấu cháo tim heo bằng nồi nấu chậm
Nguyên liệu
- Gạo tẻ 50 gr
- Tim heo 30 gr
- Đậu xanh không vỏ 30 gr
- Hành lá 20 gr
- Ngò rí 10 gr
- Nước mắm 1 muỗng cà phê
- Gia vị thông dụng 1 ít
Cách chế biến
Bạn vo kỹ 50gr gạo tẻ với nước cho sạch phần bụi bẩn, cám gạo. Sau đó, cho gạo vào một cái tô, ngâm gạo trong nước 30 phút để gạo nở mềm.
Tiếp đến, bạn rửa sạch 30gr đậu xanh không vỏ.
Đối với phần tim heo, nếu mua tim heo nguyên quả thì bạn dùng dao cắt làm đôi. Cho vào thau sạch, rắc một ít muối rồi dùng tay vò, bóp, vuốt từng rãnh, góc trong tim heo cho thật sạch, rồi xả 2 đến 3 nước cho sạch hết muối. Sau cùng, bạn cắt tim heo thành miếng mỏng vừa ăn.
Bạn cho phần gạo đã ngâm mềm và đậu xanh đã rửa sạch vào nồi nấu chậm.
Đổ 300ml nước lọc vào nồi, sau đó bật nồi nấu ở chế độ cao, nấu cháo đậu xanh trong 30 phút.
Bạn cho 30gr tim heo đã cắt mỏng vào máy xay thịt, cho máy xay với tốc độ trung bình đến khi tim heo được xay nhuyễn.
Sau đó, bạn đổ phần tim heo đã xay nhuyễn vào một cái chén.
Sau khi nấu cháo với đậu xanh trong 30 phút, bạn cho tim heo đã xay nhuyễn vào nồi.
Dùng vá múc canh nhẹ nhàng trộn đều cho hỗn hợp trong nồi từ từ hòa trộn lại với nhau.
Bạn cho vào nồi nửa muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm và 1 muỗng cà phê đường, sau đó dùng vá múc canh đảo đều.
Bạn có thể nêm nếm lại gia vị cho phù hợp với khẩu vị.
Bạn để nồi nấu chậm ở chế độ làm nóng thấp rồi tiếp tục nấu cháo trong 30 phút nữa để cháo được nhừ hơn.
Cháo sau khi nấu chín, có mùi thơm từ đậu xanh, đồng thời cháo cũng rất mềm và nhừ. Lúc này có thể múc cháo ra thưởng thức khi còn nóng sẽ rất ngon.
4. Thịt kho tàu bằng nồi nấu chậm
Nguyên liệu
- Thịt ba chỉ khoảng 500g
- Tỏi tươi khoảng 2 tép
- Hành khô 1 củ
- Hạt tiêu 1/2 muỗng
- Muối
- Đường
- Nước mắm
- Nước dừa
- Ngũ vị hương
Cách làm
Rửa thịt rồi thái miếng vuông to. Sau đó ướp gia vị như đã chuẩn bị ở trên. Thời gian ướp càng lâu gia vị ngấm vào thịt càng ngon.
Thịt sau khi ướp xào cho săn lại rồi bỏ vào nồi nấu chậm. Bạn cho nước dừa và thêm nước hàng để tạo màu. Bỏ trứng, ớt vào nồi. Có thể thêm quế, thảo quả.
Đậy nắp nồi nấu chậm rồi ghim điện. Chọn chế độ slow. Thời gian từ 6 đến 8 giờ là có thể ăn. Nếu bạn muốn nhanh hơn có thể chọn chế độ hight. Ở chế độ này khoảng 4 đến 6 tiếng là được ăn.
Nồi nấu chậm hoàn toàn tự động, bạn không cần phải thao tác nhiều. Không nên mở nắp nồi khi đang nấu.
Chúc chị em nấu được nhiều món ăn ngon với nồi nấu chậm nhé!