Viêm ruột thừa là bệnh rất thường gặp. Đây là dấu hiệu gợi ý một bệnh cảnh cấp tính tại ruột thừa, và có diễn tiến rất nghiêm trọng, nếu không được nhận biết sớm thì sẽ có hậu quả rất khó lường.
Ruột thừa nằm ở vị trí nào?
Ruột thừa là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa của con người, gốc ruột thừa đổ vào manh tràng khoảng 3 cm dưới góc hồi manh tràng, nơi 3 dải cơ dọc hội tụ. Ruột thừa có hình dáng như một ngón tay, ở người trưởng thành dài khoảng 3 – 13 cm, đường kính lòng ruột thừa khoảng 0,5 – 1 cm.
Ruột thừa ở vị trí thường thấy nằm tại bụng dưới bên phải, tuy nhiên ruột thừa có mạc treo và rất di động nên có thể nằm ở nhiều vị trí khác, như giữa ổ bụng, vùng dưới gan phải, nằm giữa các quai ruột non hoặc hiếm hơn là nằm bên trái bụng dưới (trường hợp những người đảo ngược phủ tạng).
Ruột thừa có chức năng gì?
Ruột thừa là bộ phận ít được quan tâm trước đây, do đó trong thời gian dài chức năng của ruột thừa không được hiểu rõ. Những nghiên cứu gần đây cho thấy ruột thừa đóng vai trò quan trọng trong vấn đề miễn dịch của con người do có chứa rất nhiều mô lympho ở lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc, tạo thành một lớp liên tục với các nang lympho (nắm giữ vai trò chống lại sự nhiễm trùng), đồng thời lớp niêm mạc lòng ruột thừa chứa màng sinh học bao gồm các vi khuẩn có lợi, có thể tái phục hồi hệ tiêu hóa của con người sau các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột.
Tại sao lại có tình trạng viêm ruột thừa?
Trong suốt cuộc đời con người, ruột thừa đa phần “nằm yên”. Tuy nhiên khi có một lý do nào đó gây tắc nghẽn ruột thừa: Sỏi phân, mô bạch huyết phì đại, quá trình viêm, u lành hoặc ác tính. Tuy nhiên trong một số trường hợp không tìm ra rõ lý do, ruột thừa bị viêm và gây nên tình trạng cấp cứu.
Viêm ruột thừa là gì?
Trong cơ thể, ruột thừa là một bộ phận có dạng hình túi, nhỏ như ngón tay cái, nằm về phía dưới bên phải của phần bụng. Ruột thừa có một đầu bịt kín, đầu còn lại thông với manh tràng (là đoạn đầu tiên của ruột già).
Khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn bên trong ruột thừa, các chất thải đến ruột già dần bị tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây sưng viêm, nhiễm trùng. Hậu quả là gây ra bệnh lý viêm ruột thừa, mà triệu chứng điển hình là cơn đau ruột thừa.
Nguyên nhân bị viêm ruột thừa là gì?
- Phì đại các nang bạch huyết (60%): Các nang bạch huyết dưới niêm phì đại do : Đáp ứng tại chỗ (nhiễm trùng đường ruột do salmonella, shigella…); đáp ứng với nhiễm trùng toàn thân, đối với các nhiễm trùng gây phản ứng tăng sinh bạch huyết như nhiễm trùng hô hấp cấp,…
- Ứ đọng sạn phân trong lòng ruột thừa (35%).
- Vật lạ (4%): hạt trái cây nhỏ như chanh, ớt hoặc ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, . . .
Bướu thành ruột thừa,thành manh tràng đè vào (1%)
Cách nhận biết bạn bị viêm ruột thừa
Để xác định được bạn có phải đang bị viêm ruột thừa không thì phải dựa vào một số dấu hiệu và triệu chứng sau đây:
1. Đau bụng
Cơn đau khởi ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. Sau khoảng 2-12 giờ, đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế,… . Đây là triệu chứng đáng tin cậy nhất để nhận biết 1 trường hợp viêm ruột thừa cấp.
Vị trí của ruột thừa rất đa dạng. Do đó tùy vào vị trí của ruột thừa mà người bệnh sẽ có cảm nhận rất khác nhau về vị trí của đau ruột thừa: Đau hông lưng (ruột thừa sau manh tràng), đau hạ vị (ruột thừa thể tiểu khung), đau dưới sườn phải (ruột thừa dưới gan)
2. Người bệnh bị sốt
Thường bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, dùng nhiệt kế điện tử cặp nhiệt sẽ thấy được rằng người bệnh bị sốt nhẹ khoảng 38 – 38.5 độ C do tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao 39 – 40 độ C.
3. Rối loạn tiêu hóa
- Người bệnh có thể có các triệu chứng khác như: Chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, hiếm khi có táo bón.
- Thứ tự xuất hiện của các triệu chứng thường là: Chán ăn – Đau ruột thừa – Nôn ói. Nếu nôn ói xuất hiện trước đau thì cần xem xét cẩn trọng.
- Đi tiểu thường xuyên: Đi tiểu thường xuyên và đau bàng quang cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa đang tiến triển nghiêm trọng.
- Thành bụng bị co cứng: Đây cũng là dấu hiệu điển hình khi bị viêm ruột thừa
Như vậy, trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, điều trị sớm, hạn chế biến chứng xảy ra sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người.
Làm sao để chẩn đoán chính xác bạn bị viêm ruột thừa?
Do tính chất của tình trạng này khá đa dạng nên nếu chỉ dựa vào triệu chúng cũng khó chẩn đoán chính xác, sẽ phải khám lâm sàng, làm một số xét nghiệm máu, nước tiểu cần thiết, kèm theo chẩn đoán hình ảnh: siêu âm bụng, nội soi ổ bụng,..mới có thể kết luận chắc chắn và chính xác.
Điều trị viêm ruột thừa.
Nguyên tắc điều trị viêm ruột thừa cấp là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt, ngay khi có chẩn đoán. Để tránh những biến chứng xảy ra.
Ngoài ra cũng có thể điều trị bằng kháng sinh cho các trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng ở những vùng xa xôi, những bệnh nhân có nhiều nguy cơ cho cuộc mổ hay từ chối mổ.
Cần lưu ý, điều trị kháng sinh có tỷ lệ thất bại phải chuyển phẫu thuật, đồng thời đòi hỏi quá trình theo dõi chặt chẽ và kéo dài hơn và hiệu quả giảm dần theo thời gian.
Biến chứng của viêm ruột thừa.
Viêm ruột thừa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng: viêm phúc mạc toàn bộ do ruột thừa viêm bị vỡ, abcess ruột thừa,…
1.Viêm phúc mạc toàn bộ
Viêm phúc mạc toàn bộ là biến chứng viêm ruột thừa cấp nguy hiểm, xảy ra khi ruột thừa vỡ chảy vào ổ bụng.
Trên lâm sàng có thể quan sát thấy dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân tiến triển nghiêm trọng. Về các triệu chứng tại chỗ, bệnh nhân có biểu hiện đau khắp ổ bụng, tiêu khó, trung tiện khó, chướng bụng do liệt ruột, phản ứng ở thành bụng lan rộng ra khắp ổ bụng.
2. Áp xe ruột thừa
Viêm ruột thừa cấp dẫn đến ruột thừa bị vỡ, nhưng được mạc nối, các quai ruột bao bọc xung quanh trở thành hàng rào khu trú vùng viêm, không cho lan ra ổ bụng.
Trên lâm sàng thể hiện dấu hiệu bệnh nhân vẫn bị đau hố chậu phải và sốt cao. Khi thăm khám hố chậu phải, có thể quan sát thấy một khối không di động, mặt nhẵn, ấn vào người bệnh có cảm giác căng đau. Tiến hành xét nghiệm, thấy số lượng bạch cầu tăng cao. Áp xe ruột thừa có khả năng vỡ vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc thì hai.
3. Đám quánh ruột thừa
Đây là biến chứng viêm ruột thừa cấp xảy ra trong trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng tốt, các quai ruột và mạc nối có khả năng đến bao bọc kín ruột thừa, ngăn cản sự tiến triển lan rộng.
Triệu chứng lâm sàng là cơn đau và sốt giảm, hố chậu phải xuất hiện khối chắc, không di động, ấn đau nhẹ, không có phản ứng ở thành bụng. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy lượng bạch cầu giảm dần trở lại bình thường. Đám quánh ruột thừa có nguy cơ tiến triển theo hai hướng, hoặc tan dần hoặc tạo thành áp xe ruột thừa
Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết của viêm ruột thừa cũng như biến chứng nếu không phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời. Hi vọng rằng thông qua bài viết này bạn sẽ có thêm được kiến thức để tự nhận biết tình trạng viêm ruột thừa nhanh nhất, và có hướng thăm khám điều trị kịp thời nhé!
Chúc các bạn luôn vui khỏe.